Sai khớp cắn là hiện tượng rất phổ biến, gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến sinh hoạt. Bài viết sau đây sẽ cung cấp chi tiết nhất về dấu hiệu, các loại sai khớp cắn cũng như cách điều trị hiệu quả.
Sai khớp cắn là gì? Dấu hiệu điển hình
Sai khớp cắn là khái niệm để chỉ sự không tương quan giữa hàm trên và hàm dưới. Cụ thể, tình trạng này được đánh giá qua những yếu tố là tỷ lệ cân xứng, diện tích tiếp xúc ở trạng thái nghỉ, khi nhai của răng và xương hàm.
Theo tiêu chuẩn, hàm răng đẹp phải đảm bảo cân đối, đều cả 2 hàm, không có vấn đề về khoảng cách hay sự chen chúc nào. Các răng không bị xoay, xoắn vặn. Hàm trên thường gối lên hàm dưới một chút, khoảng 1 – 2mm.
Trật tự hàm răng trên đảm bảo bạn không bị cắn vào môi khi hoạt động. Trong khi đó, hàm răng dưới để phòng ngừa tình trạng cắn vào lưỡi. Do đó, khi bị sai khớp cắn, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc ăn uống, nói chuyện.
Bạn có thể nhận biết tình trạng sai khớp cắn qua các dấu hiệu sau:
- Sự chênh lệch giữa 2 hàm răng.
- Thường xuyên gặp phải tình trạng cắn vào má, lưỡi khi nói chuyện hoặc ăn.
- Hay bị mỏi hàm, khó chịu khi nhai.
- Phát âm không chuẩn, nói chuyện khó khăn.
- Không thể khép kín 2 hàm.
Phân loại sai khớp cắn
Có 2 cách để phân loại sai khớp cắn, cụ thể là:
Sai khớp cắn loại 1,2,3
Đây là cách phân loại do Edward Angel – cha đẻ ngành chỉnh nha Hoa Kỹ đưa ra, gồm 3 loại 1, 2, 3. Chi tiết khái niệm từng loại như sau:
- Loại 1: Đây là tình trạng răng khểnh hoặc bị lệch nhẹ. Các răng số 1, 2, 3, 4 phía trước có sự bất thường về khoảng cách và sự đối xứng.
- Loại 2: Khái niệm để chỉ tình trạng răng hô, vẩu. Cụ thể, một nửa mặt nhai răng số 6 ở hàm trên sẽ nằm trên 1 nửa mặt nhai răng số 6 hàm dưới cùng 1 nửa mặt nhai răng số 5. Ngoài ra, loại 2 còn có thể chia thành: Khớp cắn sâu nặng (tình trạng 2 răng cửa chìa ra ngoài) và khớp cắn sâu hở lợi (2 răng cửa số 2 nghiêng về sau che răng phía dưới).
- Loại 3: Khớp cắn ngược loại 3 hay còn gọi là răng móm (hô vẩu hàm dưới). Theo lý thuyết, mặt nhai răng số 6 ở hàm trên xê dịch vào phía trong. Khi đó, 1 nửa răng nằm trên mặt nhai răng số 6 hàm dưới và 1 nửa nằm trên mặt nhai răng số 7 hàm dưới.
Sai khớp cắn hở, cắn chéo và đối đầu
Bên cạnh cách phân loại trên, sai khớp cắn còn có thể chia thành 3 dạng sau:
- Sai khớp cắn hở
Đây là tình trạng răng cửa bị hở, nhìn thấy lưỡi ngay cả khi khép răng. Nguyên nhân là do nhóm răng cửa 2 hàm trên dưới không chạm được nhau. Lúc này, cung răng hàm trên có dạng chữ V, còn nhóm răng sau vẫn tiếp xúc mặt nhai như bình thường.
Tương quan trán, mũi và cằm vẫn nằm trên cùng 1 đường thẳng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sai khớp cắn hở biến dạng thành răng vẩu thì 3 bộ phận trên sẽ có điểm gấp khúc.
- Sai khớp cắn chéo
Đây là tình trạng các răng chia thành nhiều nhóm thò ra, thụt vào khác nhau khiến 2 hàm mất cân đối. Khi đó, nhóm thì nằm ngoài, nhóm thì nằm trong nên không phân biệt được hàm răng nào ở bên ngoài.
- Sai khớp cắn đối đầu
Khớp cắn đối đầu (đối đỉnh) là tình trạng khi ngậm miệng, các răng cửa hàm trên và hàm dưới của bạn sẽ chạm vào nhau. Trong khi đó, nhóm răng hàm có thể chạm hoặc không chạm vào nhau. Điều này tạo thành một khoảng trống giữa 2 nhóm răng.
Nguyên nhân sai khớp cắn
Nguyên nhân chính, chiếm đến 70% trường hợp sai khớp cắn là do di truyền. Trong gia đình có người bị khớp cắn lệch thì những thế hệ sau có khả năng gặp phải rất cao.
Bên cạnh đó, tình trạng này còn xuất phát từ một số nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan sau:
- Thói quen cắn móng tay, mút tay gây ra tình trạng răng thưa, hô, khấp khểnh.
- Dùng ti giả sau 3 tuổi, khi bé đã mọc răng sữa.
- Bú bình trong thời gian dài.
- Hàm răng nhỏ nhưng răng lại quá to.
- Mất răng sữa quá sớm khiến răng vĩnh viễn bị mọc lệch lạc.
- Có thói quen thở bằng miệng, nhất là khi ngủ.
- Mất răng do chấn thương, bệnh lý hoặc bẩm sinh.
- Chấn thương ngoài ý muốn làm hàm bị xô lệch.
- Trong miệng, hàm có khối u.
Một số ảnh hưởng của sai khớp cắn
Sai khớp cắn là tình trạng không ai mong muốn bởi điều này ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sức khỏe. Cụ thể như sau:
- Ảnh hưởng thẩm mỹ: Sai khớp cắn là tình trạng răng bị lệch nên đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Việc giao tiếp, cười đùa không được tự nhiên.
- Ăn uống bất tiện: Quá trình cắn, nhai thức ăn diễn ra khó khăn hơn người bình thường. Đa phần những người bị sai khớp cắn thường phải nhai không kỹ đã nuốt.
- Phát âm không chuẩn: Người bị sai khớp cắn thường khó khăn khi phát âm l, n, x, s. Điều này ảnh hưởng đến giao tiếp và quá trình học tập, làm việc.
- Ảnh hưởng đến khớp thái dương: Hàm răng bị lệch sẽ tác động làm khớp thái dương bị lệch theo. Bạn sẽ nghe tiếng lục cục, thường xuyên mỏi hàm, bị co cứng hàm.
- Dễ mắc các bệnh lý răng miệng: Các răng khấp khểnh tạo ra những khoảng trống. Thức ăn rất dễ bị mắc kẹt, kết hợp với vi khuẩn trong răng miệng gây ra tình trạng hôi miệng, sâu răng, viêm nướu, hỏng răng.
Cách điều trị sai khớp cắn hiệu quả
Hiện nay có 3 cách điều trị sai khớp cắn là niềng răng, bọc răng sứ và phẫu thuật. Chi tiết từng cách như sau:
Niềng răng
Niềng răng là phương pháp được đa phần mọi người lựa chọn. Những trường hợp có thể niềng răng là hô, móm, răng khấp khểnh, răng thưa, khớp cắn ngược,…
Nha sĩ sẽ dùng các dụng cụ nha khoa gắn lên răng và nướu để điều chỉnh răng về đúng vị trí. Phương pháp này có thể thực hiện tại bất cứ cơ sở nha khoa nào trên toàn quốc nên rất tiện lợi.
Thời gian niềng răng khá lâu, ít nhất khoảng 6 tháng, nhiều người mất 2 – 3 năm. Bên cạnh đó, trong quá trình niềng răng bạn sẽ hơi bất tiện khi ăn uống. Nếu lựa chọn niềng răng sắt sẽ gây mất thẩm mỹ.
Tuy nhiên, bạn cũng không cần quá lo lắng 2 điều này. Bởi hiện nay y học phát triển, có nhiều loại niềng răng mới không gây mất thẩm mỹ, rút ngắn được thời gian.
Sau khi niềng, hàm răng sẽ đều đẹp hơn, khớp cắn và khớp thái dương được cải thiện. Bên cạnh đó còn giảm thiểu được nguy cơ sâu răng.
Tùy thuộc vào mức độ sai lệch và từng loại mắc cài mà chi phí sẽ dao động từ 15 triệu đến 130 triệu đồng. Bạn cần tham khảo kỹ và cân nhắc trước khi thực hiện.
Bọc răng sứ thẩm mỹ
Trong trường hợp khớp cắn bị sai lệch nhẹ, bạn có thể thực hiện bọc răng sứ. Phương pháp này thực hiện rất nhanh, có tính thẩm mỹ rất cao, giúp nụ cười đẹp và tự nhiên hơn.
Thời gian bọc răng sứ chỉ mất 2 – 4 ngày nhưng có thể duy trì đến tận 15 năm nếu biết cách chăm sóc. Chi phí thực hiện sẽ phụ thuộc vào loại răng, nhưng giao động từ 1 triệu – 5 triệu 1 răng.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp tác động đến xương hàm giúp răng trở về đúng vị trí. Đối với trường hợp khớp cắn hở, hô hàm, nha sĩ sẽ mở nướu, xương hàm. Tiếp theo cắt dời xương đẩy lùi về phía sau, điều chỉnh sao cho khớp cắn chuẩn nhất. Đối với trường hợp móm, nha sĩ sẽ ghép nối xương để hàm răng trở lại đúng vị trí.
Phẫu thuật chữa sai khớp cắn khá phức tạp, đòi hỏi nha sĩ có tay nghề cao, đồng thời cần sự hỗ trợ của máy móc hiện đại. Do đó, chi phí cho mỗi lần thực hiện đắt hơn niềng răng, khoảng 70 triệu – 150 triệu đồng.
Lưu ý khi điều trị và phòng tránh sai khớp cắn
Từ những nguyên nhân gây ra sai khớp cắn và cách điều trị, bạn cần chú ý các vấn đề sau:
- Hiện nay có rất nhiều cách niềng răng, bọc răng, phẫu thuật. Bạn cần tham khảo ý kiến của nha sĩ đồng thời tìm hiểu kỹ thông tin để lựa chọn phương pháp phù hợp với trình trạng đang gặp cũng như điều kiện kinh tế.
- Từ bỏ các thói quen xấu như cắn móng tay, mút tay, thở bằng miệng.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, khoa học.
- Đối với trẻ nhỏ, bố mẹ cần chú ý quá trình thay răng sữa, chăm sóc vệ sinh, hạn chế bú bình và ngậm ti giả.
- Khi bị mất răng thì bạn nên thăm khám, có hướng xử lý để tránh ảnh hưởng đến răng khác.
- Chú ý khi làm việc, vui chơi, tham gia giao thông để tránh chấn thương.
- Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng thiết yếu mỗi ngày.
- Thăm khám răng định kỳ để phát hiện và điều trị những trường hợp bất thường.
Sai khớp cắn không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn làm cho việc ăn, nói khó khăn hơn. Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng này. Đối với trẻ nhỏ, bố mẹ nên chú ý và cho bé đến phòng khám nha khoa để điều chỉnh sớm để tránh hàm bị lệch nhiều hơn khi lớn lên.
The post Sai khớp cắn và những thông tin quan trọng cần nắm rõ appeared first on Tạp Chí Đông Y.
Nhận xét
Đăng nhận xét