Viêm da tiết bã bội nhiễm là tình trạng tổn thương nguy hiểm do các vi khuẩn, vi nấm xâm nhập. Khi mắc phải tình trạng này, người bệnh nên đến bệnh viện để được can thiệp y tế kịp thời nhằm kiểm soát nhiễm trùng và cải thiện triệu chứng.
Viêm da tiết bã bội nhiễm là gì? Dấu hiệu nhận biết
Viêm da tiết bã là tình trạng viêm da mãn tính, biểu hiện đặc trưng là các tổn thương da có dạng ban đỏ hay hồng, da nhờn và có vảy khô. Viêm da tiết bã bội nhiễm là tình trạng vi khuẩn, vi nấm, virus tấn công vào vùng da bị tổn thương và gây ra hiện tượng nhiễm trùng.
Thông thường, hiện tượng viêm da tiết bã chỉ gây ngứa nhẹ, da đỏ. Tuy nhiên khi xuất hiện bội nhiễm, da có thể bị sưng viêm, đau nhức, nóng rát nặng nề và kèm theo một số triệu chứng toàn thân như nóng sốt.
Dưới đây là một số triệu chứng của tình trạng viêm da cơ địa bội nhiễm:
- Những vùng da bị tổn thương có xu hướng nổi ban đỏ, hồng, tiết bã nhờn nhiều hơn bình thường.
- Da xuất hiện vảy vàng và dễ bong tróc ở những vùng da ẩm.
- Tổn thương da gây nóng rát, ngứa ngáy, sưng nóng hơn bình thường.
- Ngoài ra, viêm da tiết bã nhờn bội nhiễm còn gây ra một số triệu chứng toàn thân như chán ăn, sốt nhẹ, mệt mỏi.
Mức độ triệu chứng còn tùy thuộc vào cơ địa và thể trạng của mỗi người. Ở trẻ nhỏ và người có hệ miễn dịch suy giảm, triệu chứng thường nghiêm trọng hơn so với những người khỏe mạnh.
Nguyên nhân gây viêm da tiết bã bội nhiễm
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm da tiết bã là do phản ứng bất thường của hệ miễn dịch và hoạt động của nấm men Malassezia. Các chất chuyển hóa của loại nấm men này là yếu tố kích thích phản ứng viêm và tổn thương trên da.
Tuy nhiên, vi khuẩn, vi nấm chỉ xâm nhập và gây nên tình trạng viêm da tiết bã bội nhiễm khi có các yếu tố sau:
- Thường xuyên chà xát, cào gãi mạnh ở vùng da bị tổn thương gây trầy xước, chảy máu và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Người bệnh vệ sinh da kém, không thường xuyên. Vùng da bị tổn thương ngày càng viêm nhiễm trầm trọng hơn.
- Người bệnh tiếp xúc với những người bị nhiễm trùng da.
- Tùy tiện sử dụng các loại thuốc khác khiến da bị tổn thương nặng và viêm nhiễm.
- Người bệnh lạm dụng thuốc corticoid để điều trị bệnh viêm da tiết bã. Thông thường, loại thuốc này chỉ được sử dụng tối đa 15 ngày để tránh gây ra các tác dụng phụ. Nếu lạm dụng thuốc, da sẽ bị teo, mất khả năng miễn dịch và tăng nguy cơ nhiễm trùng
Viêm da dầu bội nhiễm có nguy hiểm không?
Viêm da tiết bã hầu như không gây ra nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh. Bệnh chỉ có tính chất dai dẳng, tái phát nhiều lần và khó điều trị.
Tuy nhiên, khi xảy ra bội nhiễm, bệnh không chỉ gây tổn thương ngoài da mà còn đi kèm với các triệu chứng toàn thân. Nếu được chăm sóc và điều trị kịp thời thì bệnh viêm da dầu bội nhiễm sẽ được kiểm soát trong khoảng 7 – 10 ngày.
Ngược lại, trong một số trường hợp, viêm da tiết bã bội nhiễm sẽ gây nên một số biến chứng nguy hiểm cho người bệnh như:
- Nhiễm trùng huyết: Các vi khuẩn, virus gây nhiễm trùng da sẽ đi sâu vào các tổ chức liên kết da, xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu và gây ra tình trạng nhiễm trùng huyết. Nếu không điều trị sớm thì biến chứng này sẽ gây nhiễm độc toàn thân và có nguy cơ tử vong cao.
- Viêm mô tế bào: Viêm mô tế bào là tình trạng các tổ chức liên kết của da bị nhiễm trùng. Đây là một trong những hiện tượng nghiêm trọng và phát sinh nhiều biến chứng nặng nề nếu không được điều trị kịp thời.
Ngoài những biến chứng kể trên, bệnh viêm da tiết bã bội nhiễm còn ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, sức khỏe và tinh thần của bệnh nhân. Điều này khiến người bệnh ngại giao tiếp, mặc cảm và làm suy giảm chất lượng cuộc sống.
Các biện pháp điều trị viêm da tiết bã bội nhiễm
Mục đích điều trị bệnh viêm da tiết bã bội nhiễm là sử dụng các loại thuốc kháng sinh để làm giảm triệu chứng. Sau khi kiểm soát được tình trạng nhiễm trùng da, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ và sự tiến triển của bệnh để chỉ định sử dụng các loại thuốc điều trị viêm da tiết bã phù hợp.
Sử dụng thuốc Tây y
Các loại thuốc kháng sinh thường được sử dụng điều trị viêm da tiết bã bội nhiễm bao gồm:
- Thuốc kháng sinh đường uống: Nhóm thuốc kháng sinh đường uống như macrolid và penicillin được chỉ định sử dụng liên tục từ 7 – 10 ngày để ức chế vi khuẩn, vi nấm gây nhiễm trùng da. Đối với trường hợp bị bội nhiễm nặng, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng kháng sinh đường tiêm và điều trị nội trú.
- Thuốc kháng histamin H1: Khi bội nhiễm ngày càng lan rộng và nghiêm trọng hơn, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh histamin H1 nhằm hạn chế tình trạng dị ứng và tổn thương trên da.
- Dung dịch sát trùng: Ngoài việc sử dụng kháng sinh, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại dung dịch khử khuẩn để làm sạch vùng da bị tổn thương. Các dung dịch này sẽ giúp các vùng tổn thương trên da nhanh khô.
Sau khi tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát, bác sĩ sẽ chuyển sang giai đoạn điều trị bệnh viêm da tiết bã cấp và mãn tính với các loại thuốc như:
- Thuốc bôi ức chế calcineurin: Các loại thuốc bôi ức chế calcineurin có tác dụng giảm ngứa, chống viêm, giảm tiết bã và không gây teo da, giảm đề kháng như thuốc corticoid. Loại thuốc này thường được sử dụng ưu tiên đối với tình trạng viêm da tiết bã ở mặt và tai.
- Thuốc kháng nấm tại chỗ: Bác sĩ sẽ kê toa một số thuốc kháng nấm tại chỗ chứa Ciclopirox và Ketoconazol. Các loại thuốc này được sử dụng dưới dạng kem bôi hoặc dầu gội.
- Thuốc bong vảy tại chỗ: Đối với tình trạng viêm da dầu xuất hiện nhiều vảy trắng, người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng thuốc hỗ trợ làm bong vảy như Acid Lactic, Acid Salicylic, Urea… Nếu viêm da tiết bã ở da đầu, bác sĩ sẽ kê toa một số dầu gội chứa hoạt chất trên.
Người bệnh không được tùy tiện sử dụng các loại thuốc tân dược để điều trị bệnh. Vì thuốc Tây y có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn và ảnh hưởng đến dạ dày, gan, thận.
Thuốc Đông y chữa viêm da tiết bã bội nhiễm
Theo Đông y, bệnh viêm da tiết bã bội nhiễm xảy ra do tình trạng can thận bất túc, ngăn cản sự lưu thông của khí huyết, thấp nhiệt ứ trệ khiến da tiết nhiều bã nhờn. Đông y tập trung điều trị bệnh tận gốc từ căn nguyên của bệnh. Các loại thảo dược sẽ giúp người bệnh bồi bổ cơ thể, cải thiện hệ miễn dịch, giảm nhiễm trùng và thanh lọc cơ thể.
- Bài thuốc số 1: Cam thảo, bồ công anh, cỏ mần trầu, kim ngân hoa, kinh giới, ké đầu ngựa mỗi vị 20g. Người bệnh sắc thuốc với 1 lít nước đến khi nước cạn còn ⅓ thì lấy uống.
- Bài thuốc số 2: Hạ khô thảo, kinh giới, tang bì, kim ngân hoa, khổ sâm, bồ công anh mỗi vị 15g. Người bệnh sắc thảo dược để lấy nước uống, uống thuốc hàng ngày sau bữa ăn để điều trị bệnh.
Đối với tình trạng viêm da tiết bã bội nhiễm nghiêm trọng, bệnh nhân cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời. Không được tự ý mua thuốc Đông y về uống tại nhà.
Mẹo dân gian chữa viêm da tiết bã bội nhiễm
Các loại thảo dược thiên nhiên không có tác dụng điều trị bệnh tận gốc mà chỉ hỗ trợ kiểm soát tình trạng nhiễm trùng và ngăn ngừa triệu chứng của bệnh viêm da tiết bã. Do đó, bạn chỉ nên áp dụng mẹo dân gian chữa bệnh tại nhà khi bệnh đã dần ổn định.
- Chanh: Chanh có đặc tính sát khuẩn, chống viêm hiệu quả bởi nó có chứa hoạt chất acid citric. Các dưỡng chất trong chanh có tác dụng loại bỏ nhiễm trùng, giảm nhờn trên da. Bạn sử dụng một lượng nước cốt chanh vừa đủ để thoa lên vùng da cần điều trị.
- Mật ong: Mật ong có chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao giúp sát khuẩn, kháng viêm và giúp phục hồi các mô da bị tổn thương. Để chữa bệnh bằng mật ong, bạn chỉ cần lấy một ít mật ong thoa lên vùng da bị tổn thương và massage nhẹ nhàng.
- Nha đam: Sử dụng nha đam giúp làn da luôn có đủ độ ẩm, phục hồi và làm dịu da. Nha đam còn chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp tăng tốc độ làm lành vết thương. Bạn cũng chỉ cần lấy một ít nha đam thoa lên vùng cần điều trị là được.
Phòng ngừa bệnh viêm da tiết bã bội nhiễm tái phát
Viêm da tiết bã bội nhiễm rất khó kiểm soát và có thể tái đi tái lại nhiều lần. Do vậy, người bệnh cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh như sau:
- Khi bị viêm da tiết bã, bạn cần đến bệnh viện thăm khám và điều trị sớm để ngăn ngừa tổn thương trên da, giảm nguy cơ bội nhiễm.
- Vệ sinh da sạch sẽ mỗi ngày để ngăn chặn tổn thương trên da.
- Không được chà xát, gãi mạnh ở vùng da bị tổn thương vì có thể gây trầy xước và nhiễm trùng.
- Không được tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị nếu không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
- Xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh, hạn chế căng thẳng, stress, thức khuya.
- Bổ sung nhiều thực phẩm tốt cho làn da và cơ thể như rau xanh, trái cây, các loại hạt để tăng cường sức đề kháng. Hạn chế sử dụng các loại thức ăn không tốt cho cơ thể như thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, đồ ngọt, rượu bia và các loại đồ uống chứa nhiều chất kích thích.
- Không được sử dụng các loại mỹ phẩm, xà phòng gây dị ứng cho da, tránh tiếp xúc với bụi bẩn, phấn hoa, côn trùng, thú cưng…
- Người bệnh nên thường xuyên dưỡng ẩm cho làn da từ 2 – 3 lần/ngày để cung cấp đủ độ ẩm cho da.
Viêm da tiết bã bội nhiễm là bệnh có thể được kiểm soát hoàn toàn nếu bạn điều trị kịp thời và chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, căn bệnh này cũng để lại một hậu quả nặng nề nếu người bệnh chủ quan khiến da bị viêm nhiễm nặng. Do đó, khi bị viêm da tiết bã, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị bệnh sớm nhất.
The post Viêm da tiết bã bội nhiễm là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị appeared first on Tạp Chí Đông Y.
Nhận xét
Đăng nhận xét